Lịch sử hình thành xã Hoằng Đồng

 

       Thời phong kiến phương Bắc thống trị, Hoằng Đồng thuộc đất huyện Sùng An, Sung Bình, quận Cửu Chân rồi Ái Châu ( thời nhà Đường). Thời nhà Đinh, nhà Lý, Hoằng Đồng là là đất của Giáp Cổ Hoằng. Thời nhà Trần, Hoằng Đồng là đất của huyện Cổ Đằng, đến thời nhà Lê ( 1469) Hoằng Đồng là đất của huyện Hoằng Hóa

       Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ phong kiến Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, diên cách địa lý của Hoằng Đồng vẫn chưa được xác định rõ và cụ thể. Mãi đến thời nhà Nguyễn, mà nhất là từ đời vua Minh Mạng trở đi, vị trí địa lý của các đơn vị hành chính làng, tổng mới được cơ bản xác định và được sự quản lý thống nhất của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

       Qua các thần tích, thần phả, ngọc phả, tộc phả của một số dòng họ lớn ở xã Hoằng Đồng, qua các tư liệu lịch sử của người xưa để lại thì tên Đại Đồng có từ nhà Lý. Thời nhà Lê đổi tên thành xã Đại Đồng cho đến thời nhà Nguyễn.

       Theo thần phả của xã Hoằng Đồng, qua các tích sử Ngô Thị Nương Nương và qua sự tích Ông Đàn của xã Hoằng Thịnh, cũng như tên thôn, xóm của xã Hoằng Đồng hiện nay thì đến thời nhà Trần, Đại Đồng trang có 4 làng nhỏ hợp thành, 4 làng đó là: Cự Lộc ( xóm Cả), Hòa Diên, Thanh Ngoạn, Phú Vinh. Cả 4 làng đều có chung một ngày tế lễ đó là ngày 10/01 âm lịch hàng năm và cùng thờ chung một Bà tổ, còn gọi là Bà Cả hay Bà Ngô Thị Nương Nương.

       Sách “ Các tổng trấn danh bị lãm” được biên soạn từ 1810 – 1813, là bộ danh mục các đơn vị hành chính thời Gia Long ghi, Đại Đồng xã có các làng: Cự Lộc, Hòa Diên, Thanh Ngoạn, thuộc tổng Hành Vĩ, huyện Hoằng Hóa, Phủ Hà Trung, Nội trấn Thanh Hóa. Như vậy đến thời Nhà Nguyễn, làng Phú Vinh không thuộc xã Đại Đồng.

       Việc làng Phú Vinh tách khỏi xã Đại Đồng vào thời gian nào thì chưa xác định được cụ thể. Song, chắc chắn thời nhà Nguyễn, Phú Vinh đã không thuộc xã Đại Đồng, vì qua tư liệu lịch sử, mà đặc biệt là qua thư tịch khoa bảng của những người đỗ đạt ở các thời kỳ phong kiến đã ghi rõ tên người đỗ đạt và sinh quán của người đó.

       Năm Minh Mạng thứ 2 ( 1821), Thượng thư Bộ hình là Hứa Đức đã làm bản tấu trình lên vua Minh Mạng về việc sửa đổi một số tên tổng, làng, xã, thôn, làng đổi tên và mang tên mới, song xã Đại Đồng vẫn giữ nguyên tên gọi và tên của 3 làng cũng không thay đổi

       Như vậy là trước năm 1945, Hoằng Đồng được gọi là xã Đại Đồng, tổng Hành Vĩ, huyện Hoằng Hóa. Năm 1945 – 1946, Hoằng Đồng vẫn gọi là xã Đại Đồng.

       Năm 1946, tổng tuyển cử và có Hiến Pháp. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã ghi: Nước Việt Nam gồm 3 bộ, mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Căn cứ hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, các địa phương trong cả nước tiến hành sắp xếp, chuyển đổi các khu vực hành chính. Ở Hoằng Hóa, các tổng giải thể chia thành nhiều xã. Năm 1946, toàn huyện Hoằng Hóa chia thành 12 xã lớn. Xã Hoằng Đồng được biên chế vào xã Hoằng Đức ( xã Hoằng Đức gồm: Đức, Đồng, Vinh, Thịnh, Thái) và xã Đại Đồng lúc này được gọi là thôn (làng) Đại Đồng, thuộc xã Hoằng Đức lớn – Quyết định ngày 17 tháng 6 năm 1947 của Ủy ban hành chính ( UBHC) tỉnh.

       Năm 1949 do vị trí hành chính của xã Hoằng Đức quá lớn nên xã Hoằng Đức lớn được tách thành 3 xã gồm Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Đức. Đại Đồng thuộc xã Hoằng Đức, xã Hoằng Đức lúc này có các thôn: Phùng Dực, Trung Hy, Phú Vinh, Đại Đồng. Thôn Đại Đồng lúc này gồm 3 làng: Cự Lộc, Hòa Diên, Thanh Ngoạn. Các làng lại có các xóm Bồ, Dìa, Vạnh, Đổng, Mẫy, Cả, Sú, Chiền, Già.

       Tháng 6 năm 1953, Nhà nước có Quyết định phân chia lại các đơn vị hành chính để đáp ứng yêu cầu mới, thực hiện cải cách ruộng đất. Thực hiện Quyết định này, cuối năm 1953, đầu năm 1954, xã Hoằng Đức được chia tách thành 3 xã Hoằng Đức, Hoằng Vinh, Hoằng Đồng. Tên xã Hoằng Đồng có từ đó đến nay.

       Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, mảnh đất Hoằng Đồng đã bao lần thay đổi tên gọi, từ Đại Đồng trang, xã Đại Đồng rồi xã Hoằng Đồng và cùng với các quá trình tách ra, nhập vào, nhưng hầu như quá trình ấy ít gây nên sự xáo trộng về mặt địa dư. Đến nay vị trí địa lý hành chính của xã Hoằng Đồng đã được ổn định.

 

 Bài viết giới thiệu tổng quan về xã 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
293883