Không thể chủ quan với bệnh Bạch hầu

Đăng lúc: 22:18:25 24/07/2024 (GMT+7)

 Hiện nay, các ca mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số địa phương, gây lo lắng cho người dân. Nguy cơ lây lan bệnh bạch hầu không lớn nhưng đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả nếu tiêm phòng xắc xin bạch hầu.
Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Bệnh bạch hầu có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amidan có hốc mủ.
Khi nghi bị bạch hầu, cần đến cơ sở y tế để khám và chữa trị ngay, bởi kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn, nếu nặng có thể được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu và đo điện tim để theo dõi biến chứng suy tim cấp. Bạch hầu thanh quản có thể được mở khí quản để cấp cứu kịp thời tránh nghẹt thở gây suy hô hấp.
Phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Những người tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu cũng cần tiêm vắc-xin bạch hầu và uống thuốc kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ. Khi có người mắc bạch hầu, cần cách ly không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc. Cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên có chất sát khuẩn mạnh (cloramin B) tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo chăn, màn... của người bệnh.
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
293883